Gia đình không phải nơi cho bạo lực
- June 30, 2024
- by
- I am Nick
Hmmm…., tôi muốn viết về chủ đề này vì tình cờ gần đây mình xem được một video clip ngắn về tình trạng ly hôn của giới trẻ ở Việt Nam trong những năm gần đây, và nhiều vụ việc bạo hành đang diễn ra được truyền thông đưa tin. Theo số liệu thống kê cứ 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn, và tỷ lệ ly hôn sau 1 năm kết hôn tăng dần. Cũng theo chuyên gia trong phóng sự, có 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn, bao gồm: không phù hợp quan điểm sống, mâu thuẫn về kinh tế, lòng chung thủy và khoảng cách địa lý. Nhưng với tôi nó không đủ. Có một con số rất đáng sợ cần được nói đến, và nó chỉ riêng ở Việt Nam thôi, trong vòng 10 năm, với hơn 1 triệu vụ ly hôn mà tòa án đã giải quyết từ năm 2009 đến năm 2019 có đến 76% trong số đó nguyên nhân là bạo lực gia đình. Nhưng tôi tin chắc con số thật sẽ cao hơn nhiều, vì, còn đầy những con người đang chịu đựng với lối nghĩ “để con có gia đình trọn vẹn”.
Bạo lực gia đình không chừa ai cả, có thể là cha, là mẹ, là con cái, là anh chị em trong gia đình, và nó không dừng lại ở việc một người bị hành hung, xâm phạm thân thể, nó còn tồn tại ở những dạng khác, đôi khi chính chúng ta cũng bị bạo lực hoặc gây ra bạo lực gia đình nhưng không hề nhận ra. Bạo lực gia đình có thể là bạo lực thân thể, quá rõ ràng là sự tác động bất hợp pháp vào thân thể của người khác dẫn đến những tổn thương cơ thể có thể nhìn thấy bằng mắt. Bạo lực gia đình có thể là bạo lực tinh thần, là những lời nói, những hành động làm ảnh hưởng đến tinh thần của người còn lại như một kiểu trừng phạt. Bạo lực gia đình có thể là bạo lực tình dục, đúng, bạn không nghe nhầm đâu, kể cả đã là vợ chồng thì việc quan hệ là một điều mà cần có sự đồng ý của cả hai, còn nếu có bất kỳ sự bức ép nào xảy ra thì đó là bạo lực tình dục, một dạng của bạo lực gia đình. Và bạo lực gia đình cũng có thể là bạo lực kinh tế, nghĩa là lấy kinh tế, tiền bạc để quản lý, kiểm soát và hạ thấp vai trò, tôn nghiêm của thành viên còn lại.
Đối với tôi, bạo lực gia đình dưới bất kỳ hình thức nào, chỉ cần xảy ra một lần sẽ tuyệt đối không có sự kết thúc. Và, một lần là đủ cho sự chấm dứt. Biết bao nhiêu hoàn cảnh đáng thương, những phận đời u buồn sinh ra từ bạo lực gia đình, tôi chỉ không hiểu được tại sao là con người với nhau, lại còn là những người mình dùng hết lòng, dùng tất cả mình có để được về cùng một nhà, mang cho nhau danh phận, lại có thể làm tổn thương nhau như thế. Có chăng, con người luôn là kiểu chỉ trân trọng những gì chưa có và những gì đã mất đi, còn khi có được, đã ở trong tay mình rồi thì không cần phải nâng niu nữa?
Mọi người hay bảo, là người ngoài cuộc cái nhìn và quyết định nói ra dễ dàng lắm, khi là người trong cuộc thì mới hiểu không có dễ dàng như vậy đâu, không phải muốn ly hôn là ly hôn, không phải nói muốn từ bỏ ba mẹ, từ bỏ anh em là làm được. Vậy tại sao không làm được? Ừ thì, là, tại, bị,…rất nhiều lý do được đưa ra nhưng có lý do nào là đúng như những gì chúng ta đang ngụy biện không?
Cha mẹ hay lấy lý do con cái, hay cho rằng “vì con, để con cái có một gia đình trọn vẹn”. Chưa nói đến việc “trọn vẹn”, cái gì cũng là “vì con” nhưng đã bao giờ hỏi những đứa con nó thật sự cần là gì không?
Nó cần một cuộc sống bình yên với những gam màu vô lo, nụ cười vô nghĩ hay là những giọt nước mắt và ám ảnh cả đời với bốn chữ “gia đình trọn vẹn”? “Gia đình trọn vẹn” không được định nghĩa bằng việc có cha, có mẹ, có các con cùng sống dưới một mái nhà. Nó nên được hiểu là một nơi nuôi dưỡng con cái trưởng thành và thành người trong tình yêu thương của cha mẹ, và cách cha mẹ đối xử với nhau là tấm gương cho các con đối nhân xử thế sau này trong cuộc đời của chúng. Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình trọn vẹn thật sự dùng những hạnh phúc thuở nhỏ để xoa dịu mọi đau thương của cuộc đời sau này, còn những đứa trẻ chịu những tổn thương tuổi thơ từ gia đình, cả đời cũng không thể ôm ấp hết nổi đau, vết thương lúc nhỏ. Hãy là “vì con” chứ đừng nhân danh “vì con”, việc lựa chọn kết thúc một cuộc hôn nhân không đồng nghĩa với việc thất bại của một người, nó chỉ chứng minh bạn đủ mạnh mẽ, đủ yêu thương con cái và đủ yêu thương chính mình khi lựa chọn bước ra khỏi một cuộc sống độc hại. Chúng ta sống cuộc sống hôn nhân 5 năm, 10 năm, hay 20 năm, cũng chỉ là một phần trong cuộc đời, cuộc đời của chúng ta dài hơn, đừng lãng phí cả đời chỉ vì những định kiến xã hội, hay sự cố chấp của bản thân với cuộc sống mà ở đó chúng ta phải “chịu đựng”. Chúng ta và con cái chỉ thấy được nửa đời của nhau, nếu xuất phát từ sự che chở và tình yêu vô bờ với các con, xin hãy nghĩ đến cả nửa đời sau của chúng, hãy cho chúng cơ hội được lựa chọn ngay khi chúng thành hình trong thế giới này. Nửa đời trước của con cái, có thể có cha có mẹ nhân danh vì con, vẫn ở đó che chở đôi chút cho chúng nhưng nỗi đau tinh thần của chúng, cha mẹ không thấy, không che chở được nếu cố chấp với sự nhân danh đấy. Nửa đời sau của các con không còn cha mẹ bên cạnh nữa chúng nó phải làm sao?
Lại nói, phu nữ hay đàn ông, ngay khi bị bạo hành, đặc biệt bạo hành trong thời gian dài họ gần như mất khả năng nhận thức về giá trị bản thân của mình, đặc biệt trong xã hội truyền thống quá đề cao việc kết hôn nhiều lần là xấu xí, những con người như vậy chịu đựng đến lúc quá giới hạn, có người trở nên ngây dại, có người chọn giã từ cuộc đời, có người may mắn hơn vùng lên để giành lại cuộc đời của mình và các con. Ai cũng có nỗi khổ, người làm chồng, người làm vợ và các con ai cũng có nỗi khổ, nhưng xin đừng lấy nổi khổ của bản thân để trút vào những người thân, người thương yêu chúng ta, xong lại đi ngụy biện bằng những điều không thể chấp nhận được. Riêng ở đây, tôi muốn truyền tải một thông điệp đến những ai đang chịu bạo lực gia đình rằng hãy yêu thương bản thân bạn càng sớm càng tốt vì đó cũng là một cách để yêu thương những người đang yêu thương bạn.
Rõ ràng, chúng ta có rất nhiều quan điểm về hôn nhân, nhưng xin hãy luôn nhớ rằng giá trị của hôn nhân không phải là làm hài lòng các thế hệ, không phải vì sự thúc ép của xã hội, vì sự cô đơn của bản thân, hay là vì sản xuất ra thế hệ sau.
Bản chất khi phát triển một cuộc hôn nhân nên đến từ mong muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc, là một nơi mà có thể cho những người trong vòng tròn của mối quan hệ đó một sự an tâm và phục hồi về mặt tinh thần, sự an toàn về mặt cơ thể. Là một nơi mà các giá trị vị nhân sinh tốt đẹp được truyền tải từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình là tế bào của xã hội, liệu có quá nhiều tế bào có vấn đề thì xã hội có tốt hơn được không, do đó trước khi nói đến những vấn đề vĩ mô hơn xin hãy chỉ thực hành và nhìn về những điều cơ bản, nguyên gốc nhất của việc bắt đầu cuộc sống hôn nhân và phát triển gia đình. Tôi tin, một người sinh ra, lớn lên và được dạy dỗ trong một gia đình nhiều tình yêu thương, được cha mẹ làm những tấm gương tốt sẽ không bao giờ có thể gây hại cho xã hội. “Nhà” là nơi ôm ấp mỗi người đi qua những giông bão mà xã hội quây lấy ta sau một ngày dài, là nơi an toàn ta có thể thể hiện cảm xúc của mình mà không phải sợ bị đánh giá theo bất kỳ một quy chuẩn nào của xã hội, là nơi chúng ta có thể nhận được sự chỉ bảo, khuyên nhủ nhẹ nhàng nhất trước khi xã hội cho chúng ta những bài học đắt giá và nặng nề.
Hãy dành sự yêu thương cho người mà chúng ta yêu thương, đừng vì họ yêu thương ta mà lại bắt họ chịu đựng ta. Đừng để lời xin lỗi của mình trở nên thường nhật, đừng để bản thân là nguồn gốc bất hạnh của thế hệ sau mình, đừng biến nửa cuộc đời sau của con mình thành những chuỗi ngày tìm lại tuổi thơ.
Yêu người, thực chất bắt đầu từ việc yêu mình, từ việc nhận thức thật sâu sắc về bản thân mình và bản chất các mối quan hệ. Chúng ta mất hơn 2 triệu năm để bước đến đỉnh cao của tiến hóa, đừng cư xử như thời kỳ đang cắn xé nhau để phát triển thành người.